Ngành Y tế Tây Ninh: Tìm phương cách giải bài toán nhân lực

(BTNO) – Trong những năm qua, Tây Ninh đã có nhiều chính sách để thu hút bác sĩ về công tác và đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn cho các y, bác sĩ đang làm việc trong ngành Y tế tỉnh nhà nhằm đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh của nhân dân. Tuy nhiên, số bác sĩ thu hút được rất khiêm tốn, còn số được cử đi đào tạo chỉ có thể bù đắp cho số bác sĩ nghỉ hưu, nghỉ việc, bỏ việc. Vậy nên, cho đến nay việc giải quyết tình trạng thiếu bác sĩ vẫn còn là một bài toán nan giải của tỉnh nhà.

Thai phụ nhận sổ theo dõi sức khoẻ.

Ngày 2.6.2012, UBND tỉnh Tây Ninh ban hành Quyết định 1077 về việc phê duyệt kế hoạch đào tạo nhân lực ngành Y tế tỉnh nhà giai đoạn 2012- 2015 (Quyết định 1077). Căn cứ vào đó, Sở Y tế đã phối hợp với các sở, ngành có liên quan triển khai, tổ chức thực hiện. Trong 4 năm từ 2012-2015, có 86 công chức, viên chức được đào tạo thạc sĩ và bác sĩ chuyên khoa I; 243 người được đào tạo đại học (trong đó có 166 người được đào tạo bác sĩ, 20 người được đào tạo dược sĩ đại học, 57 cử nhân chuyên ngành Y tế bao gồm đào tạo chính quy theo địa chỉ, đào tạo liên thông và đào tạo liên thông theo địa chỉ).

Nhìn chung, sau 4 năm thực hiện, kế hoạch đào tạo nhân lực y tế đã đạt được một số kết quả. Nhiều công chức, viên chức được đào tạo chuyên môn trình độ đại học, sau đại học bổ sung kịp thời và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong ngành. Tuy nhiên, kết quả này vẫn còn khá khiêm tốn, số được cử đi đào tạo chỉ đạt trên 50% so với chỉ tiêu kế hoạch đã được phê duyệt tại Quyết định 1077.

Theo đánh giá của Sở Y tế, công tác phát triển nhân lực y tế trong thời gian qua còn gặp nhiều khó khăn. Cụ thể như số thí sinh tham gia dự thi đông, nhưng số trường hợp đạt điểm chuẩn để trúng tuyển theo quy định rất thấp. Bên cạnh đó, số lượng bác sĩ về Tây Ninh làm việc (theo chính sách thu hút) còn rất ít- trong 4 năm qua chỉ có 17 người (trong đó có 5 bác sĩ chuyên khoa I). Một số chuyên khoa rất khó có nguồn lực để tuyển dụng như lao, tâm thần, pháp y, phong, da liễu, giải phẫu bệnh. Đến thời điểm hiện tại, toàn ngành Y tế Tây Ninh có 18 bác sĩ công tác thuộc các lĩnh vực chuyên khoa kể trên (lao: 8, tâm thần: 2, pháp y: 4, da liễu: 3, giải phẫu bệnh: 1).

Ở lĩnh vực y tế dự phòng, từ tuyến tỉnh đến tuyến huyện nhân lực y tế đều thiếu- cả về số lượng lẫn chất lượng. Tổng số cán bộ công tác trong khối dự phòng là 473 người; trong đó số có trình độ đại học, sau đại học còn rất thấp, chiếm tỷ lệ 8,9%.

Lý giải về thực trạng trên, lãnh đạo Sở Y tế cho rằng do các địa phương khác như TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận cũng như các cơ sở y tế ngoài công lập có sức thu hút bác sĩ rất mạnh, nên y tế công lập Tây Ninh khó mà “cạnh tranh” nổi. Trong khi đó, các chính sách thu hút sinh viên tốt nghiệp đại học Y về tỉnh lại chưa thật sự hấp dẫn so với các tỉnh, thành lân cận. Việc đầu tư đào tạo nguồn nhân lực y tế còn hạn chế, chưa theo kịp yêu cầu. Tây Ninh cũng chưa có chính sách đào tạo riêng nhằm phát triển nhân lực cho lĩnh vực y tế dự phòng, y tế công cộng, bác sĩ dự phòng. Trường trung cấp Y tế Tây Ninh chưa đủ điều kiện để liên kết với các trường đại học Y Dược để đào tạo trình độ bác sĩ và cử nhân ở các chuyên ngành có nhu cầu nhưng đang thiếu.

Nhân lực ngành Y vốn đã thiếu mà số lượng cán bộ công chức, viên chức trong ngành đã lớn tuổi phải nghỉ hưu hoặc xin nghỉ việc để chuyển sang y tế tư nhân lại ngày một nhiều hơn, càng tăng thêm áp lực cho ngành. Đặc biệt là các trạm y tế xã, những năm trước đây đủ 100% bác sĩ phục vụ thì nay đang có nguy cơ không đáp ứng nổi nhu cầu khám, chăm sóc sức khoẻ ban đầu cho người dân.

Tính đến tháng 6 vừa qua, tổng số bác sĩ trong toàn tỉnh Tây Ninh là 617 người. Trong đó, số bác sĩ trong hệ thống y tế công lập chiếm 77%, còn lại 23% là bác sĩ ngoài hệ thống y tế công lập. Bình quân Tây Ninh đạt 6,17 bác sĩ/vạn dân. Về đội ngũ dược sĩ, trên địa bàn toàn tỉnh có 132 người (trong hệ thống công lập: 71, ngoài hệ thống công lập: 61), bình quân đạt 1,32 dược sĩ/vạn dân. Toàn bộ ngành Y tế có hơn 2.800 người nhưng số công chức, viên chức có trình độ đại học trở lên chỉ chiếm 27%; số còn lại có trình độ cao đẳng, trung cấp chuyên ngành y tế và chuyên ngành khác.

Theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ X, Tây Ninh phấn đấu đến năm 2020 toàn tỉnh đạt tỷ lệ 7 bác sĩ/vạn dân (có khoảng 800 bác sĩ). Như vậy, số lượng bác sĩ cần bổ sung trong giai đoạn 2016- 2020 là 183 người; đó là chưa kể các trường hợp nghỉ việc, bỏ việc, nghỉ hưu. Theo thống kê của ngành Y tế, dự kiến giai đoạn 2016-2020, số bác sĩ đang đào tạo ra trường là 111 người, trong khi số bác sĩ nghỉ hưu trong giai đoạn này là 132 người.

Từ thực tế trên, Sở Y tế đã xây dựng kế hoạch đào tạo nhân lực y tế giai đoạn 2016- 2020. Mục tiêu chung là đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn và kỹ năng thực hành cho đội ngũ cán bộ làm công tác y tế, nâng cao chất lượng toàn diện nguồn nhân lực, đáp ứng nhu cầu bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ nhân dân trong tình hình mới.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến trong một chuyến thăm và làm việc tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Tây Ninh.

Theo kế hoạch được xây dựng, giai đoạn 2016-2020 sẽ đào tạo chuyên môn 769 chỉ tiêu trình độ từ đại học trở lên. Trong đó, 162 chỉ tiêu sau đại học, 329 chỉ tiêu bác sĩ và 278 chỉ tiêu cử nhân chuyên ngành y tế. Hệ đào tạo gồm: chính quy theo địa chỉ, liên thông và liên thông theo địa chỉ.

Cũng theo kế hoạch trên, năm 2016 dự kiến liên kết với một số trường đại học để mở 4 lớp đào tạo theo hình thức vừa học vừa làm tại tỉnh. Trong đó có 40 chỉ tiêu y tế công cộng, 30 chỉ tiêu cử nhân xét nghiệm, 90 chỉ tiêu cử nhân điều dưỡng và 35 chỉ tiêu cử nhân hộ sinh. Năm 2018, dự kiến đào tạo 20 bác sĩ chuyên khoa cấp II hệ Nội khoa, Tổ chức và năm 2020 dự kiến đào tạo 25 bác sĩ chuyên khoa cấp I hoặc chuyên ngành khác- cũng với phương thức liên kết đào tạo ngay tại tỉnh nhà.

ĐÌNH VŨ